Chữ Chạy

NẾU TIỀN LÀM CHO CÁC BẠN KHÔNG VUI HÃY ĐƯA NÓ CHO TÔI

Trang

17 tháng 10, 2011

Hallstatt – Thành phố bên hồ đẹp không thể tả | The Lakeside City is wonderful

Có thể bạn đã đến thăm các thành phố lớn của châu Âu như Paris, London, Venice… nhưng cái tên lạ lẫm Hallstatt mới là nơi đáng dừng chân nhất.
Là thành phố nằm ở phía bắc nước Áo, tọa lạc bên hồ nước đẹp nhất thế giới và được núi non bao bọc xung quanh, cảnh quan tuyệt đẹp làm say đắm lòng người, chính vì thế mà người ta ví thành phố Hallstatt như “Viên ngọc của nước Áo”. Hallstatt có nghĩa là “Người muối” và người ta biết đến nơi này như là cái nôi của mỏ muối cổ đại nhất thế giới.
images608256_TP1
 Hallstatt như “Viên ngọc của nước Áo”
Bên cạnh hồ nước nổi tiếng nhất thế giới, Hallstatt cũng được nhiều người biết đến với nhà thờ cổ, những ngôi nhà gỗ, lâu đài thời trung cổ với lối kiến trúc độc đáo làm nên một thế giới cổ kính đầy quyến rũ thu hút khách du lịch quan trọng ở Áo. Thành phố này giờ đây là di sản văn hóa của UNESCO.
Cảnh quan đô thị của Hallstatt rất cổ kính, có những bóng đèn nhấp nháy nhưng lại không xa hoa hào nhoáng như ánh đèn của các sòng bạc Las Vegas hay ánh đèn của các tòa nhà cao chót vót ở Tokyo, New York hay Lôn Đôn, cũng không giống như các thành phố nằm dọc theo đường phố đông đúc chật hẹp như Bangkok, Morocco, Hông Kông.
images608257_TP2
 Non nước hữu tình
images608258_TP3
 Những ngôi nhà an trú trong lùm cây
Thành phố Hallstatt duy trì nét đẹp quyến rũ của thời Trung Cổ. Nét đẹp cổ kính của những ngôi nhà, cửa hàng có mái và các bức tường ốp gạch kiểu cũ làm nổi bật lên gương mặt thành phố. Bên cạnh đó là những con đường hẹp nhưng rất sạch sẽ, có những tán cây xòe rộng đủ cho lối đi bộ mà lại không che khuất các thiết bị chiếu sáng ngoài trời. Có thể nói rằng thành phố Hallstatt giống như một bản sao chính xác bước ra từ câu chuyện cổ tích “Người đẹp ngủ trong rừng” của Disney.
Thành phố Hastatt còn là một nhân chứng lịch sử lâu dài của quá trình tiến hóa. Nằm bên bờ hồ xinh đẹp, cộng thêm những mỏ muối tiềm năng nên Hastatt thu hút con người định cư sớm nhất khoảng 7.000 năm trước. Thành phố lại tiếp tục đón nhận sự ra đời của nghành công nghiệp khai thác mỏ muối rất phát triển, hưng thịnh và nhanh chóng trở thành một ngành độc quyền cho người lao động trong thế kỉ 14. Nhưng đến thế kỉ 17 thì ngành công nghiệp này không còn giữ vị trí độc tôn nữa mà rơi vào tình trạng suy thoái phải đóng cửa.
images608260_TP5
 Kiến trúc như mọc ra từ cảnh quan thiên nhiên
Sau này, một thương nhân có tên là Johann Ignaz Etzinger đã quay lại thành phố Hallstatt, dựng lên một bức tượng Thiên Chúa Ba Ngôi để tưởng nhớ về một thời vinh quang của thành phố – nơi khởi đầu cho ngành công nghiệp muối và mang lại sự phồn thịnh cho thành phố đến bây giờ. Ngày nay, bức tượng đã trở thành một trong những điểm thu hút phổ biến nhất ở Hallstatt.
Thành phố Hallstatt không chỉ có các mỏ muối lâu đời nhất thế giới, mà các nhà khảo cổ học còn khai quật được 5.000 thi thể, được chôn trong một nghĩa trang tại trung tâm thành phố trong thời kì đồ đá mới.
Hallstatt là một thành phố du lịch hoàn hảo cho du khách. Bất kì mùa nào trong năm cũng nào là mùa du lịch. Trong suốt mùa hè, thành phố là thiên đường cho những người thích phiêu lưu mạo hiểm, đi bộ đường dài, leo núi, cắm trại, khám phá hang động muối tuyệt vời… Có thể nói mùa hè là mùa mà khiến cho thành phố sôi nổi và náo nhiệt nhất. Nhưng mùa đông thành phố cũng không kém phần sinh động vì sự góp mặt của các lễ hội. Đặc biệt lễ Giáng Sinh là khoảng thời gian hoàn hảo nhất cho gia đình và người thân của bạn. Vào ngày đó các con phố được trang trí bằng đèn Giáng Sinh nhấp nháy, cây trạng nguyên, cây tầm gửi và các đồ trang trí Giáng Sinh tuyệt vời khác nữa.
images608261_TP6
 Bến du thuyền
images608262_TP7
 Quảng trường xinh xắn của thành phố
 
Không khí trong dịp Giáng Sinh se lạnh, nhưng bạn sẽ không cảm giác lạnh lẽo khi cùng với người dân bản địa đón Giáng Sinh trong tình yêu thương, thân thiện và nồng thắm. Nước Áo là chiếc nôi của âm nhạc, cho nên các ngày lễ như thế này thì nhạc kịch – một món ăn tinh thần không thể thiếu diễn ra tại trung tâm thành phố.
Bất cứ ai cũng có thể dễ dàng thưởng thức văn hóa và phong cảnh thành phố, bằng cách đi xe đạp dạo quanh thành phố 7.000 năm tuổi. Nhưng trong thực tế, thành phố cổ kính và bình dị Hallstatt có thể bạn chỉ mất khoảng 30 đi bộ là có khám phá hết tất cả các ngõ ngách.
images608264_TP9
Mùa đông ở Hallstatt
 
Khi đến Hallstatt, bạn không nên bỏ lỡ chuyến viếng thăm bảo tàng di sản văn hóa. Điểm nổi bật của bảo tàng là trưng bày những công cụ khai thác mỏ muối lâu đời nhất. Những trang thiết bị 5.000 năm tuổi. Tất cả những thông tin lịch sử của mỏ muối cũng như quá trình sản xuất mà bạn muốn được tìm hiểu đều có trong bảo tàng này. Một địa điểm thứ hai nữa là Beinhaus có nghĩa là “ Nhà xương” là nơi trưng bày những hộp sọ và xương người được đào lên từ nghĩa địa trung tâm thành phố, được người ta đem về lưu giữ tại đây.
(Theo Tuệ Tâm – BĐVN)

Các mô hình quy hoạch đô thị: “Đơn vị ở” và phiên bản Redburn

Sự sơ xẩy của tác giả khi gọi mô hình của Clarence Perry chỉ bằng cụm từ “đơn vị ở” dường như đã vô tình làm câu chuyện của chúng ta trở nên thú vị hơn. Độc giả và ban biên tập đều muốn biết thêm về số phận của mô hình cũng những phiên bản của nó trên khắp thế giới và tại Việt Nam. Trong khi đó, bản thân tác giả thì giật mình nhận ra rằng trong các khái niệm quy hoạch Anglo Saxon không tồn tại “đơn vị ở” mặc dù cụm từ này được sử dụng tràn lan tại Việt Nam và được định nghĩa trong Quy chuẩn Xây dựng quốc gia.

Mặt bằng khu Redburn
Tên gọi chính xác của mô hình mà Clarence Perry, một nhà xã hội học, đã đề xuất là “neighborhood unit” vốn được biết đến ở Việt Nam bằng cụm từ “đơn vị láng giềng”. Thực tế thì trong tiếng Anh, từ “neighborhood” được dùng tương đương như từ “community” để chỉ một khu dân cư. Tuy nhiên, có lẽ Perry đã tránh dùng từ “community” vốn có nghĩa quá rộng và diễn giải: “đơn vị láng giềng” là một trong 3 cấp cộng đồng của một vùng đô thị lớn (regional community – cộng đồng vùng, city community – cộng đồng thành phố và neighborhood community – cộng đồng láng giềng). Ông cũng đề xuất việc áp dụng “đơn vị láng giềng” không chỉ đối với các khu dân cư ngoại ô có mật độ thấp như nhiều người vẫn làm tưởng mà cả đối với các khu chung cư và khu dân cư kết hợp công nghiệp – thương mại và giao thông đường sắt.
Trong khi đó, “đơn vị ở” vốn là phiên bản tiếng Việt của “unité d’ habitation” – thuật ngữ mà kiến trúc sư Le Corbusier gọi một module nhà chung cư mà ông đề xuất với cách tiếp cận hoàn toàn đối lập với “đơn vị láng giềng” của Clarence Perry. Điều thú vị là hầu hết các tài liệu học thuật và pháp luật liên quan đến quy hoạch xây dựng tại Việt Nam đều diễn đạt “đơn vị ở” giống như những ý tưởng cơ bản do Clarence Perry đề xuất trong mô hình “đơn vị láng giềng”. Và chúng ta có thể chấp nhận ý tưởng của Perry như là một trong những nền tảng đầu tiên của các mô hình “đơn vị ở” sau này.
  • Ảnh bên : Măt bằng một nhóm ở trong khu Redburn
Một trong những ứng dụng tức thời của “đơn vị láng giềng” là dự án kinh điển Redburn ở tiểu bang New Jersey. Tác giả của Redburn, Clarence Stein (1882-1975), là một trong những nhà đô thị ảnh hưởng nhất tại Hoa Kỳ trong thế kỷ 20 và là người tiên phong trong đề xuất và ứng dụng nhiều mô hình quy hoạch tại quốc gia này. Là người đứng đầu cơ quan phụ trách vấn đề quy hoạch vùng của New York, Stein không chỉ học hỏi từ lý thuyết của Clarence Perry. Ông lặn lội qua tận nước Anh để nghiên cứu những thành phố vườn đầu tiên ở Welwyn và Letchworth. Trở về Mỹ, ông đề xuất thiết kế tại Redburn những ô phố lớn rộng từ 12 đến 20 ha (superblock) không có giao thông xuyên cắt và những nhóm nhà gắn vào một trục công viên với 15 – 20 căn nhà quay xung quanh những con đường cụt (cul-de-sac). Ông cũng học hỏi cách phân tách đường đi bộ và đường giành cho giao thông cơ giới mà kiến trúc sư cảnh quan Federick Law Olmsted trong thiết kế công viên Central Park, New York. Bản quy hoạch Redburn, hoàn thành năm 1930, kiến tạo một cộng đồng 25.000 người với những dải công viên liên tiếp kết nối từng nhóm nhà ở biệt lập, yên tĩnh với trường học, nhà trẻ, sân chơi và khu thương mại. Tại Redburn, không có bất cứ ai phải băng qua những con đường xe ô tô chạy để tiếp cận với tiện ích xã hội. Stein viết trong tác phẩm “Towards New Towns for America”: “chúng tôi đã nỗ lực hết mình để theo đuổi đề xuất của Aristotle rằng một thành phố cần được xây dựng để mang lại cho cư dân sự an toàn và hạnh phúc”.
Tài liệu tham khảo:
  • Perry, C. (1929). Neighborhood and Community Planning trong Volume VII,Regional Plan of New York and íts Environs. New York: New York City;
  • Stein, C. (1957). Towards New Towns for America. Cambridge, MA: MIT Press.
Nguyễn Đỗ Dũng

Các mô hình quy hoạch đô thị: “Polis”

Con người luôn cố gắng giải quyết các vấn đề của cộng đồng và từng cá nhân thông qua đề xuất mới hoặc cải thiện mô hình tổ chức xã hội. Từ góc nhìn của các nhà đô thị học, quy hoạch sư và kiến trúc sư, mục đích xuyên suốt của các mô hình là nhằm tạo môi trường trong đó con người sống hài hòa với con người và với thiên nhiên.
Từ mô hình polis (tạm dịch: thành bang) của người Hy Lạp, Thành phố vườn (Garden City) của Ebnezer Howard, Đơn vị cư trú (Unité d’Habitation) của Le Corbusier, Đơn vị quy hoạch cộng đồng (Neighborhood Planning Unit) của Clarence Perry tới mô hình Đô thị mới (New Urbanism) khởi đầu từ Léon Krier … các mô hình quy hoạch đô thị đã đề xướng những hình thức quy hoạch khác nhau cùng nhằm mục đích nâng cao tính cố kết cộng động, sự giao tiếp giữa con người với con người bên cạnh việc giải quyết các vấn đề xã hội khác của thời đại.
  • Ảnh bên : Nhà hát Dionysus, Athen, thế kỷ 5 trước Công Nguyên.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ khám phá mô hình polis của Hy Lạp cổ đại, nền văn minh mà tư tưởng dân chủ và tư duy khoa học đã trở thành nền tảng cho văn mình phương Tây kế thừa và phát triển. Polis là những cộng đồng độc lập được quản lý bởi hội đồng công dân xuất hiện vào khoảng thế kỷ 5 trước Công Nguyên tại Hy Lap. Kiến trúc của các polis nhấn mạnh vào không gian công cộng quy mô lớn và thường xây dựng bằng đá cẩm thạch như các đền thờ, sân vận động, quảng trường (agora) và các nhà hát như kiệt tác nhà hát Dionnysus tại Athen. Công trình nhà ở thường thấp tầng và quay lưng ra đường phố.
Nhưng không chỉ các công trình công cộng của polis ghi dấu ấn vào lịch sử đô thị, những ý tưởng về tổ chức xã hội trong các polis vẫn còn mê hoặc nhân loại hơn 2000 năm. Trong tác phẩm Politics (Chính trị học), triết gia Aristotle đề xuất quy mô lý tưởng của một polis là 5000 công dân, một quy mô “đủ nhỏ để tiếng nói của mỗi công dân được lắng nghe bởi cả cộng động nhưng đủ lớn để có thể (hình thành nền kinh tế) tự cung, tự cấp”. Người đọc có thể ngạc nhiên về quy mô dân số nhỏ bé này nhưng thực tế thì chỉ những người đàn ông trưởng thành tự do được gọi là “công dân”. Do đó, quy mô dân số thực tế của một polis có thể gấp hơn 10 lần số công dân của nó nếu tính thêm các bà vợ, trẻ em, nô lệ và người ngoại bang. Aristotle cho rằng, bằng giọng văn hóm hỉnh của mình, rằng một polis chỉ có 10 công dân là không thể vì polis đó không thể tự tồn tại, nhưng một polis có 100.000 công dân thị lại quá đông để có thể quản lý.
Điều thú vị là kiến trúc công cộng và tổ chức xã hội không phải là những câu chuyện thành công riêng lẻ của mô hình polis. Sử gia người Ạnh Humphrey Kitto (1897-1982) nhận định rằng cuộc sống và mối liên hệ cộng đồng hình thành dễ dàng trong polis nhờ “tỉ lệ nhỏ nhắn của không gian vật chất”. Thiết kế theo tỉ lệ con người (human-scaled design) nhằm đạt được sự hài hòa trong quan hệ và tính cấu kết cộng đồng tiếp tục là hòn đá tảng trong các mô hình quy hoạch hiện đại.
Nếu đô thị là biểu tượng của nền văn mình (chữ “city” có gốc là “civiliazation”), thì đô thị cũng đã trở thành công cụ văn hóa để qua đó con người nỗ lực đạt được một khái niệm cộng đồng đầy đủ hơn. Trong tác phẩm của mình, Aristotle gọi con người là “zoon politikon” – những sinh vật sống trong một polis – để nhấn mạnh rằng polis, hay cộng đồng, là không gian duy nhất để một con người có thể “hiện thực đầy đủ năng lực tinh thần, đạo đức và trí tuệ” của chính mình.
Tài liệu tham khảo:
LeGates, R & Stout F. (2003).  The City Reader (ed. 3rd.). New York, NY: Routledge
Nguyễn Đỗ Dũng

Các mô hình quy hoạch đô thị: “Thành phố Vườn”

Từ cuối thế kỷ XVIII, niềm khao khát giải quyết các bất cập của đô thị công nghiệp như sự xuống cấp của môi trường sống và sự tan vỡ của các cộng đồng truyền thống dẫn đến sự ra đời của nhiều mô hình quy hoạch đô thị. Những dự án đầu tiên thuộc về những nhà công nghiệp như Titus Salt xây dựng khu dân cư Saltaire tại Bradford (Anh) vào năm 1853, chủ nhà máy dệt David Dale xây khu New Lanark ở Scotland vào năm 1789. Những dự án như vậy thể hiện 3 mục tiêu của những người khởi xướng: 1/ di chuyển nhà máy ra vùng ngoại ô; 2/ cung cấp nhà ở tử tế cho công nhân và 3/ tách biệt khu dân cư với các nhà máy công nghiệp. Khu Saltaire thậm chí còn có cả trường học, khu thể dục – thể thao, nhà thờ và khu giặt giũ công cộng (nhằm tránh việc các hộ gia đình phơi quần áo ngoài nhà làm mất mỹ quan).
  • Ảnh bên: Bản vẽ của Ebenezer Howard mô tả Đô thị Vệ tinh – một cụm các Thành phố Vườn phát triển xung quanh một thành phố trung tâm.
Trong số những người tham gia vào công cuộc cải cách xã hội và cải thiện môi trường sống, Ebenezer Howard (1850 – 1928) với mô hình Thành phố Vườn(Garden City) đã trở thành một trong những người tiên phong có ảnh hưởng lớn nhất mọi thời đại. Howard không phải là một nhà quy hoạch chuyên nghiệp, công việc mà ông từng làm để kiếm sống là thư ký tòa án, nhưng là một người ham học hỏi, có óc quan sát và quan tâm đến việc làm sao để nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng. Ý tưởng vể Thành phố Vườn của ông bắt đầu hình thành qua việc tổng hợp mô hình từ những dự án khu dân cư mới do các nhà công nghiệp khởi xướng. Ông cũng tiếp thu nhiều ý tưởng của các nhà khoa học đương thời như nhà kinh tế  Alfred Marshall – người đề xuất xây dựng các khu đô thị mới để giải quyết các bất cập của đô thị cũ. Marshall đã nhận ra, vào những năm 80 của thế kỷ 19, rằng cộng đồng rồi sẽ phải trả phí xã hội (social cost) gây ra do chất lượng nhà ở và môi trường sống tồi tệ ở các thành phố lớn.
Mô hình Thành phố Vườn do Howard đề xuất là một cộng đồng có quy mô 30.000 người sinh sống trên một diện tích 400 ha với cấu trúc hướng tâm và được bao quanh bởi vành đai xanh là 2000 ha đất nông nghiệp. Ý niệm xã hội đằng sau mô hình Thành phố Vườn chính là niềm tin của Howard rằng cuộc sống trong những khu dân cư mật độ trung bình và thấp, gần gũi với thiên nhiên như những làng quê truyền thống nước Anh sẽ giúp thắt chặt mối quan hệ cộng đồng và làm giảm bớt những căn bệnh xã hội của đô thị hiện đại. Khi một Thành phố Vườn đạt quy mô dân số quy ước 30.000 người, thì một Thành phố Vườn mới sẽ được phát triển bên cạnh. Howard dự tính một tập hợp các Thành phố Vườn được phát triển xung quanh một thành phố trung tâm có dân số 50.000 người như những vệ tinh và được kết nối với nhau bằng hệ thống đường bộ và đường sắt. Đó chính là mô hình đô thị vệ tinh.
Những ý tưởng xã hội và quy hoạch mà Howard gửi gắm trong Thành phố Vườn không bao giờ thành hiện thực một cách trọn vẹn dù rất nhiều phiên bản được phát triển trên khắp thế giới. Nhu cầu tài chính quá lớn để thực hiện dự án, áp lực về giá đất do áp dụng giới hạn phát triển, sự thiếu quyết tâm của chính quyền trong vấn đề phát triển giao thông công cộng, bảo tồn đất nông nghiệp là những thực tế cuộc sống thách thức (và nhiều khi làm thất bại) mô hình Garden City cũng như mô hình đô thị vệ tinh.
Tài liệu tham khảo:
  • Davis, W. & Herbert, D. (1993). Communities within Cities: an Urban Social Geography. London: Belhaven Press;
  • Hall, P. (1992). Urban & Regional Planning (3rd). New York, NY: Routledge.
Nguyễn Đỗ Dũng

Những công trình phòng thủ kinh điển của người Việt



Trong suốt quá trình phát triển nghệ thuật quân sự, nhiều công trình phỏng thủ của người Việt đã ghi dấu ấn trong sử sách.
Vòng xoắn ốc Cổ Loa

Cổ Loa là kinh đô của nhà nước phong kiến Âu Lạc dưới thời An Dương Vương vào khoảng thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên. Đây là tòa thành cổ quy mô lớn vào bậc nhất, cấu trúc cũng thuộc loại độc đáo nhất trong lịch sử xây dựng thành lũy của người Việt cổ. Tòa thành này nằm trên xã Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội).
 phongthu1.jpg
 
 Sơ đồ di tích Cổ Loa ngày nay
Theo sử sách, thành Cổ Loa được xây theo hình trôn ốc 9 vòng, chu vi lên tới 9 dặm. Hiện chỉ còn 4 vòng thành khép kín, như những vòng tròn to nhỏ lồng vào nhau, vòng thành ngoài dài 8 km, vòng thành giữa dài 6,4 km, thành nội 1,6 km… Ngoài mỗi vòng thành đều có hào nước thông với sông Hoàng Giang, trở thành hào nước tự nhiên rất lợi hại.

Theo truyền thuyết, tướng Triệu Đà của phương Bắc đã nhiều lần đánh Cổ Loa nhưng đều nướng quân vô ích trước sự phòng thủ hiệu quả của người Việt.

Sau đó, Triệu Đà xin giao hòa rồi sai con trai là Trọng Thủy sang cầu hôn với Mỵ Châu - Con gái vua An Dương Vương. Từ những sai lầm của Mỵ Châu, Trọng Thủy đã đánh cắp nỏ thần của thành Cổ Loa giao cho Triệu Đà. Trong cuộc chiến tiếp theo, thành Cổ Loa đã sụp đổ.

Phòng tuyến Như Nguyệt – nỗi kinh hoàng của phương Bắc 

Trong cuộc chiến chống Tống những năm 1070 của nhà Lý, Lý Thường Kiệt đã biến sông Như Nguyệt (sông Cầu ngày nay) thành một phòng tuyến quân sự trọng yếu, quyết định vận mệnh của cuộc chiến này.  
 phongthu2.jpg
Sơ đồ cuộc chiến chống Tống tại phòng tuyến Như Nguyệt
Đoạn sông Như Nguyệt mà ông dựng phòng tuyến nằm án ngữ con đường thuận lợi nhất để quân Tống tiến về Thăng Long. Có núi ở cả hai bên bờ, bản thân đoạn sông này cũng là chướng ngại thiên nhiên ngăn bước tiến của bộ binh và kỵ binh địch. 
 
Chiến lũy của phòng tuyến Như Nguyệt được xây bằng đất có đóng cọc tre dày nhiều tầng làm phên dậu. Dưới bãi sông bố trí các hố chông ngầm. Quân Lý đóng thành từng trại trên suốt chiến tuyến, có thêm thủy binh phối hợp tạo nên một phóng tuyến rất vững chắc.

Theo diễn biến cuộc chiến, sau khi thâm nhập vào nước Việt, quân Tống đã dừng lại tại bờ Bắc sông Như Nguyệt để tính kế phá phòng tuyến, vượt sông.

Trong nỗ lực vượt sông đầu tiên, đạo quân tinh nhuệ của nhà Tống đã bắc cầu phao tấn công quyết liệt và đã có lúc chọc thủng được phòng tuyến. Trong tình thế hiểm nghèo ấy, Lý Thường Kiệt đã động viên tinh thần quân sĩ bằng bài thơ Nam Quốc Sơn Hà bất hủ. Quân Tống đã bị đẩy lui trước tinh thần chiến đấu xả thân của quân Đại Việt.

Lần thứ hai, chúng huy động lực lượng lớn hơn và vượt sông bằng nhiều bè lớn, mỗi bè chở được 500 quân. Cuộc tấn công này cũng bị đập tan. Từ đó, mọi ý định vượt sông đều bị coi là phiêu lưu, và tướng của nhà Tống ra lệnh “Ai bàn đến đánh sẽ bị chém đầu”.

Cuối tháng 3/1077, quân đội của Lý Thường Kiệt mở cuộc tổng phản công chiến lược, quân Tống đại bại và tháo chạy trong hoản loạn… Thảm bại trước phòng tuyến Như Nguyệt đã làm cho nhà Tống mất hẳn ý chí xâm lược Đại Việt.

Hệ thống phòng thủ khổng lồ của nhà Hồ

Sau khi nắm ngôi vào năm 1400, nhà Hồ rất coi trọng hệ thống phòng thủ đất nước trước họa xâm lăng của phương Bắc. Nhiều công trình phòng vệ có quy mô lớn đã được xây dựng trong thời kỳ này, tiêu biểu là thành Tây Đô và thành Đa Bang.

Trong những năm 1405-1406, nhà Hồ đã thám sát địa hình, cho quân đóng cọc ở các cửa biển, và những nơi xung yếu trên sông Cái (sông Hồng) để phòng thủy quân phương Bắc. 
 phongthu3.jpg
Thành nhà Hồ ngày nay.
 Một hệ thống công trình phòng thủ có quy mô lớn, dài gần 400 km đã được thiết lập, kéo dài từ núi Tản Viên, men theo sông Đà, sông Hồng, sông Luộc đến cửa sông Thái Bình với vô số các chướng ngại vật như bãi cọc, xích sắt giăng trên sông cùng các đồn quân chốt chặn khắp các cửa sông, cửa nguồn, quan ải...

Các sử gia nhận định, trong lịch sử quân sự, đây là thời kỳ mà người Việt đã xây dựng được một công trình phòng ngự có quy mô lớn nhất. So với phòng tuyến Như Nguyệt thời Lý, hệ thống phòng thủ của nhà Hồ có chiều sâu và mức độ đồ sộ gấp nhiều lần.

Thế nhưng, do không được lòng dân ủng hộ, nhà Hồ đã thất bại trong cuộc chiến chống quân Minh xâm lược, để đất nước lại rơi vào ách thóng trị của phương Bắc.

“Nhất sợ Lũy Thầy”

Lũy Nhật Lệ (còn có tên khác là lũy Thầy, lũy Đồng Hới, lũy Trường Dục) là một công trình phòng thủ quy mô, gắn với tài năng của nhà quân sự Đào Duy Từ. Nằm ở tỉnh quảng Bình, lũy này được ông chỉ huy xây dựng theo lệnh chúa Nguyễn nhằm mục đích bảo vệ Đằng Trong khỏi các cuộc tấn công của chúa Trịnh Đằng Ngoài.

Hệ thống này gồm bốn tòa thành lũy. Trong số đó, hai lũy Nhật Lệ và Trường Dục được xây trong giai đoạn 1630-1631 dưới sự chỉ huy của Đào Duy Từ. Hai lũy còn lại do học trò của ông là tướng Nguyễn Hữu Dật thực hiện những năm sau đó. Người dân Đàng Trong gọi hệ thống này là Lũy Thầy để tỏ lòng tôn kính Đào Duy Từ.
 phongthu4.jpg
Một phần của Lũy Thầy tại Đồng Hới. 
 Theo sử sách, Lũy Thầy phía ngoài có tường thành bao bọc, bên trong là doanh trại, công sự chiến đấu, kho tàng được bố trí theo lối chữ "Dĩ"liên hoàn chặt chẽ với thành ngoài. Về kích thước, lũy dài 2.500 trượng, chân rộng 1,5 trượng, cao 1 trượng (mỗi trượng khoảng 4 m).

Lũy Thày đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ chúa Nguyễn giữ vững sự kiểm soát tại Đằng Trong sau gần 50 năm chiến tranh với chúa Trịnh. Trong dân gian còn truyền tục câu ca: “Nhất sợ Lũy Thầy/Nì sợ đầm lầy Võ Xá”, liên hệ tới những thất bại của quân Trịnh tại vùng đất này.

Sau này, vua Thiệu Trị của nhà Nguyễn đã ban cho lũy này tên mới "Định Bắc trường thành" để nhớ ơn các bậc tiền bối đã giữ vững bờ cõi.

Địa đạo Củ Chi - pháo đài ngầm không thể công phá

Vào thời hiện đại, khi tất cả các thành lũy trên mặt đất đều trở lỗi thời trước những phương tiện chiến tranh tối tân thì địa đạo Củ Chi lại làm nên huyền thoại mới, huyền thoại về một pháo đài ngầm “không thể công phá”.

Đây là một hệ thống phòng thủ trong lòng đất, được các chiến sĩ giải phóng xây dựng tại nơi được mệnh danh là "đất thép", nằm ở điểm cuối Đường mòn Hồ Chí Minh. Hệ thống này hình thành từ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và mở rộng quy mô trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. 
 phongthu5.jpg
Sa bàn mô phỏng địa đạo Củ Chi.
 Tại thời điểm đạt đến quy mô lớn nhất, toàn hệ thống địa đạo Củ Chi có chiều dài khoảng 200km với 3 tầng sâu khác nhau, với chiều sâu từ 3 - 12 m. Với hệ thống đường và các phòng chức năng trong lòng đất, địa đạo không chỉ là nơi trú ẩn mà đã trở thành nơi sinh sống, học tập, làm việc, cứu thương, hội họp, kho chứa vũ khí... Không khí được đưa xuống địa đạo qua các lỗ thông hơi đặt tại vị trí các bụi cây.

Trên địa đạo còn hình thành các “xã chiến đấu” với rất nhiều ụ chiến đấu, bãi mìn, hố đinh, hầm chông... được bố trí thành các cụm liên hoàn tạo ra trận địa vững chắc trong thế trận chiến tranh du kích.

Quân đội Mỹ - ngụy đã liên tục tấn công vào hệ thống địa đạo bằng đủ các phương tiện như bom tấn, bơm nước, hơi ngạt... nhưng do hệ thống địa đạo được thiết kế để có thể cô lập từng phần nên không xảy ra nhiều hư hại.

Ngày nay, địa đạo Củ Chi đã trở thành một điểm du lịch hấp dẫn cho du khách đến thăm TPHCM.
Theo Đất Việt

Đô thị vệ tinh trên giấy, cao ốc lấp đầy trung tâm



Bốn khu đô thị vệ tinh của TP.HCM được quy hoạch cách đây gần mười năm, với mục đích giãn dân, là một trong những giải pháp lý tưởng cho việc giảm tải khu vực nội thành. Tuy nhiên, sau nhiều năm thực hiện, đến nay, hầu hết những khu đô thị này vẫn chưa ló dạng. Trong khi đó, ở khu vực trung tâm, những toà nhà cao tầng vẫn đua nhau mọc lên. Sự tréo ngoe này khiến người ta nghi ngờ những giải pháp giảm ùn tắc giao thông gần đây chỉ là giải pháp tình thế.
Độ nén đến nghẹt thở
Chỉ có hơn 5.000m2, nằm lọt thỏm trong khu vực vốn đã đông đúc ở trung tâm quận 1, nhưng cao ốc Bitexco được xây cao đến 68 tầng. Theo quảng cáo, toà nhà sẽ cung ứng cho thị trường trên 38.000m2 diện tích văn phòng hạng A+ theo tiêu chuẩn quốc tế và trên 8.000m2 diện tích của sáu tầng dành cho khu trung tâm thương mại, đáp ứng nhu cầu làm việc của gần 10.000 người trong toà nhà.
Từ năm 2008 đến nay có khoảng 130 dự án cao ốc được cấp phép, trong đó có đến hơn 70 dự án nằm ở lõi khu vực trung tâm. 
Thử hình dung, một khi toà nhà này được khai thác hết công năng thì đường sá, không gian nào đủ cho số lượng người như vậy ra vào toà nhà này hàng ngày? Có người nói đùa, Bitexco cần làm cầu vượt nối toà cao ốc này ra sông Sài Gòn để những người làm việc ở đây đi bằng đường sông, tránh bị kẹt ở khu trung tâm.
Trong khi đó, theo nghiên cứu của công ty Savill Việt Nam về thị trường căn hộ tại TP.HCM cho thấy, chỉ trong quý 3/2011, tại khu vực nội thành TP.HCM có khoảng 60 dự án căn hộ dịch vụ, cung cấp 3.200 căn, tăng 2% so với quý trước và 9% so với cùng kỳ năm trước. Quận 1 chiếm thị phần cao nhất về số căn hộ với 48% tổng nguồn cung do có vị trí tốt nhất trong thành phố. Nếu nhân lên cho mấy năm nay thì con số về căn hộ ra đời tại khu vực trung tâm là hàng chục ngàn. Và theo dự báo của công ty tư vấn bất động sản Knight Frank, trong thời gian tới, quận 1 tiếp tục là quận dẫn đầu về nguồn cung căn hộ dịch vụ.
Theo thống kê của sở Xây dựng TP.HCM, từ năm 2008 đến nay có khoảng 130 dự án cao ốc được cấp phép, trong đó có đến hơn 70 dự án nằm ở lõi khu vực trung tâm.
Dự án tiếp nối dự án
Đường Nguyễn Đình Chiểu vốn là đường nhỏ hẹp, xe cộ hiện nay chỉ cho chạy một chiều. Tuy nhiên, một dự án mang tên cao ốc C.T Plaza với chiều cao 24 tầng sẽ xuất hiện trong nay mai. Theo giới thiệu, cao ốc này chủ yếu dành làm trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê cộng thêm 200 căn hộ cao cấp… Người ta không hình dung nổi đường Nguyễn Đình Chiểu sẽ ra sao khi cả ngàn người đổ dồn về đây cùng lúc?

Tại các đô thị của nước ta, tuy tập trung xây dựng các cao ốc nhưng vẫn sử dụng hệ thống giao thông hiện hữu của thành phố, là không hợp lý, và tắc đường, kẹt xe là điều tất yếu. 
Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.HCM đã trình UBND thành phố danh sách 60 khu đất vàng dự kiến đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất trong thời gian tới. Đa phần là các dự án xây dựng khách sạn, khu trung tâm thương mại và căn hộ… Theo nhiều chuyên gia dự báo, nếu tất cả các khu đất này có chủ đầu tư thì chỉ nay mai, lượng người và xe di chuyển vào trung tâm thành phố sẽ càng trở nên đông đáng sợ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các dự án chỉnh trang cải tạo những khu nhà ở thấp tầng thành cao tầng đều được các chủ đầu tư chuyển đổi mục đích sử dụng thành khu thương mại, dịch vụ, văn phòng. Do vậy, số người làm việc tại khu vực này ngày càng tăng cao.
Quan điểm của ông Nguyễn Trọng Hoà, viện trưởng viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM là: việc xây dựng các cao ốc là một hệ quả tất yếu của một quá trình phát triển đô thị. Ví như, muốn hết ngập, chúng ta phải chịu cực khổ, chịu bực mình về đào đường. Muốn có một đô thị lớn, một trung tâm kinh tế văn hoá thì phải có những cao ốc mọc lên. Quan trọng là chúng ta phải biết chịu cực trước mắt để nhìn về cái lâu dài. Trong thời gian qua, nếu các sở ngành không cho xây dựng nhà cao tầng ở những vị trí lõi trung tâm thì chúng ta cấp phép cho xây ở đâu? Khu đô thị mới Thủ Thiêm thì chưa hoàn thành, các khu đô thị vệ tinh khác thì mới hình thành trên giấy.
Theo ông Hoà, nói như vậy, không có nghĩa là cứ phát triển xây dựng nhà cao tầng tràn lan cũng là một đô thị. Quan trọng là xây dựng nhà cao tầng thường gắn liền với hệ thống giao thông. Trong bản thiết kế quy hoạch khu vực trung tâm 930ha thì yếu tố nhà cao tầng với đường giao thông đô thị được phối hợp một cách hài hoà. Cụ thể như, khi xây dựng một tuyến đường sắt đô thị thì sẽ có bao nhiêu nhà cao tầng mọc lên ở tuyến đường đó, khi xây dựng hai tuyến thì thêm bao nhiêu toà nhà nữa… TP.HCM cũng đang từng bước thực hiện theo quy hoạch này. Nhưng để nên hình, nên dạng thì phải chờ đợi thời gian, chờ đợi vốn để đầu tư, chờ hoàn thiện cơ chế chính sách…
Đứng về góc cạnh của một kiến trúc sư, ông Nguyễn Trường Lưu, phó chủ tịch hội Kiến trúc sư TP.HCM cũng cho rằng, trong trung tâm của một đô thị, việc tập trung xây dựng các cao ốc với các chức năng khác nhau, như cao ốc văn phòng, khách sạn, nhà ở, dịch vụ thương mại… với độ nén về mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất cao là điều tất yếu của một đô thị hiện đại. Tuy nhiên, sự nén và đậm đặc các công trình cao ốc ở đây, bao giờ cũng được nghiên cứu đồng bộ với hệ thống kỹ thuật hạ tầng. Các công trình xây dựng đều được nghiên cứu tiếp cận với hệ thống giao thông công cộng như hệ thống xe buýt, tàu điện ngầm… để tiện lợi cho người dân. Còn tại các đô thị của nước ta, tuy tập trung xây dựng các cao ốc nhưng vẫn sử dụng hệ thống giao thông hiện hữu của thành phố, là không hợp lý, và tắc đường, kẹt xe là điều tất yếu.
Theo ông Lưu, đến nay, hệ thống quy hoạch chung về giao thông của thành phố chưa được nghiên cứu để phát triển đồng bộ.
Dự án quy hoạch bốn khu đô thị vệ tinh của TP.HCM
Theo quy hoạch, TP.HCM đến năm 2025 sẽ phát triển theo hướng đa tâm với trung tâm tổng hợp tại khu vực nội thành cũ và các khu đô thị vệ tinh theo bốn hướng: bắc, đông, tây, nam.
66903499547ee2c331bdabdc2ef6ba3e.jpg
Theo quy hoạch TP.HCM đến năm 2025 sẽ phát triển theo hướng đa tâm với trung tâm tổng hợp tại khu vực nội thành cũ và các khu đô thị vệ tinh theo bốn hướng: bắc, đông, tây, nam.
Khu đô thị Đông TP.HCM: hạt nhân là khu công nghệ cao với quy mô 872ha, khu đại học Quốc gia có quy mô 800ha, công viên Văn hoá lịch sử dân tộc quy mô 395ha… Những cụm khu đô thị này khi nhìn tổng thể sẽ tạo thành khu đô thị khoa học – công nghệ ở Thủ Đức và quận 9.
Khu đô thị Bắc TP.HCM: nằm gọn trên địa bàn hai huyện Củ Chi và Hóc Môn, sát trục giao thông mang tính chiến lược là quốc lộ 22 kết nối TP.HCM – Tây Ninh, giáp Long An; cách trung tâm TP.HCM khoảng 40km. Giai đoạn 1 của khu đô thị Tây Bắc được quy hoạch với diện tích khoảng 6.000ha, dự kiến mở rộng lên khoảng 9.000ha ở giai đoạn 2. Đây sẽ là một trung tâm thương mại, y tế, thể dục, thể thao… cấp thành phố, với 11 phân khu chức năng như khu trung tâm công cộng, khu thương mại, dịch vụ, y tế, công nghiệp, kho bãi trung chuyển…
Khu đô thị Nam TP.HCM: trọng tâm là khu đô thị Nam Sài Gòn (quận 7) và khu đô thị cảng Hiệp Phước. Khu đô thị Nam Sài Gòn bao gồm quận 7 (phường Tân Phong, Tân Phú với diện tích 868ha); nam quận 8 (một phần phường 7 với diện tích 268ha); nam huyện Bình Chánh (xã An Phú Tây, Phong Phú, Bình Hưng, Hưng Long với diện tích 1.839ha). Quy mô diện tích điều chỉnh là 2.975ha tổng diện tích tự nhiên (tổng diện tích phê duyệt trước đây chỉ 2.612ha). Khu đô thị cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè với diện tích 3.900ha, dự kiến dân số 180.000 người (năm 2020).
Khu đô thị Tây TP.HCM: nằm gọn tại huyện Bình Chánh có diện tích khoảng 500ha. Ở khu đô thị này sẽ phát triển những cụm nhà ở, trung tâm thương mại quy mô lớn nhằm thay đổi bộ mặt đô thị tại phía tây TP.HCM.
Theo SGTT

Nhà bảo tàng hoành tráng của hãng xe Mercedes



Hãng xe ô tô vĩ đại Mercedes Benz vừa cho trình làng một siêu phẩm: tòa nhà bảo tàng ô tô với thiết kế lạ mắt và nội thất cực kỳ hoành tráng.
Bản thân những chiếc xe tuyệt vời cũng là những tuyệt phẩm kiến trúc, và giờ đây những tuyệt phẩm đó lại được trưng bày trong một kiệt tác mới: Tòa nhà bảo tàng xe do UNStudio thiết kế. Các nhà thiết kế đã khéo léo sử dụng những đường xoắn ốc từ những cửa sổ kính để tạo nên sự liên tiếp giữa ba lớp của tòa nhà.
22_DOOL_090522_T_TGKT_1.jpg
                        Hòa mình vào quần thể kiến trúc xung quanh
22_DOOL_090522_T_TGKT_2.jpg
                        Ba lớp cửa kính tạo đường xoắn ốc liên tục
Khung ngoài bằng nhôm với những tấm cửa kính trong suốt giúp giảm khối lượng toà nhà đi rất nhiều: chỉ còn khoảng 110.000 tấn.
22_DOOL_090522_T_TGKT_3.jpg
                 Các tấm cửa kính tạo nên những đường cong đẹp mắt
22_DOOL_090522_T_TGKT_4.jpg
                                           Rực rỡ trong bóng đêm
Với chiều cao hơn 50 mét với 9 tầng nhà, toàn bộ khu nhà được thiết kế không có một góc vuông nào. Thang máy được tập trung giữa nhà trong một khối hình tam giác cong lạ mắt. Các lối lên xuống hình xoắn ốc được nằm men theo những đường cong của bức tường bao ngoài. có đoạn được làm theo kiểu cầu thang xoắn, có đoạn chỉ đơn giản là những đường dốc với độ dốc vừa phải để có thể đi bộ được.
22_DOOL_090522_T_TGKT_5.jpg
                  Những chiếc cầu thang men theo đường lượn cửa sổ
22_DOOL_090522_T_TGKT_6.jpg
                                          Lối lên hình xoắn ốc
Có khoảng 12.000 bóng đèn được sử dụng để chiếu sáng 1.500 hiện vật. Các bóng đèn được sử dụng với nhiều hiệu ứng khác nhau. Phòng sưu tập được chiếu sáng như ánh sáng tự nhiên còn phòng Huyền thoại thì sử dụng hoàn toàn ánh sáng nhân tạo mờ ảo.
22_DOOL_090522_T_TGKT_7.jpg
                                             Một góc nhìn lạ
22_DOOL_090522_T_TGKT_8.jpg
                                       Những lối lên xuống lạ mắt
Một nét lạ nữa trong thiết kế toà nhà là không có sự phân chia không gian giữa các tầng. Các không gian liên thông nhau không chỉ theo chiều ngang mà còn theo cả chiều thẳng đứng tạo nên những góc nhìn lạ mắt. Có nơi thậm chí chiều cao từ sàn lên đến trần tận 33 mét.
22_DOOL_090522_T_TGKT_9.jpg
22_DOOL_090522_T_TGKT_10.jpg
22_DOOL_090522_T_TGKT_11.jpg
22_DOOL_090522_T_TGKT_12.jpg
                         Các phòng trưng bày xe từ cổ điển đến hiện đại
Những du khách đến tham quan được đưa lên tầng thượng ở độ cao 47,5 m bằng những chiếc thang máy ở giữa toà nhà. Từ đây chuyến tham quan được bắt đầu đưa bạn về sự khởi nguồn của những chiếc xe huyền thoại từ những ngày đàu tiên của nhà máy và kết thúc bằng những thành tựu của ngày hôm nay. Bạn có thể di chuyển giữa các tầng bằng thang máy hoặc các lối đi nằm ven cửa kính.
Với diện tích trưng bày 16.500 mét vuông và một thiết kế cầu kỳ và lạ mắt, đây quả là một chốn tham quan lý tưởng cho những người yêu thích phương tiện di chuyển tốc độ này.
Theo DiaOc