Chữ Chạy

NẾU TIỀN LÀM CHO CÁC BẠN KHÔNG VUI HÃY ĐƯA NÓ CHO TÔI

Trang

17 tháng 10, 2011

Các mô hình quy hoạch đô thị: “Thành phố Vườn”

Từ cuối thế kỷ XVIII, niềm khao khát giải quyết các bất cập của đô thị công nghiệp như sự xuống cấp của môi trường sống và sự tan vỡ của các cộng đồng truyền thống dẫn đến sự ra đời của nhiều mô hình quy hoạch đô thị. Những dự án đầu tiên thuộc về những nhà công nghiệp như Titus Salt xây dựng khu dân cư Saltaire tại Bradford (Anh) vào năm 1853, chủ nhà máy dệt David Dale xây khu New Lanark ở Scotland vào năm 1789. Những dự án như vậy thể hiện 3 mục tiêu của những người khởi xướng: 1/ di chuyển nhà máy ra vùng ngoại ô; 2/ cung cấp nhà ở tử tế cho công nhân và 3/ tách biệt khu dân cư với các nhà máy công nghiệp. Khu Saltaire thậm chí còn có cả trường học, khu thể dục – thể thao, nhà thờ và khu giặt giũ công cộng (nhằm tránh việc các hộ gia đình phơi quần áo ngoài nhà làm mất mỹ quan).
  • Ảnh bên: Bản vẽ của Ebenezer Howard mô tả Đô thị Vệ tinh – một cụm các Thành phố Vườn phát triển xung quanh một thành phố trung tâm.
Trong số những người tham gia vào công cuộc cải cách xã hội và cải thiện môi trường sống, Ebenezer Howard (1850 – 1928) với mô hình Thành phố Vườn(Garden City) đã trở thành một trong những người tiên phong có ảnh hưởng lớn nhất mọi thời đại. Howard không phải là một nhà quy hoạch chuyên nghiệp, công việc mà ông từng làm để kiếm sống là thư ký tòa án, nhưng là một người ham học hỏi, có óc quan sát và quan tâm đến việc làm sao để nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng. Ý tưởng vể Thành phố Vườn của ông bắt đầu hình thành qua việc tổng hợp mô hình từ những dự án khu dân cư mới do các nhà công nghiệp khởi xướng. Ông cũng tiếp thu nhiều ý tưởng của các nhà khoa học đương thời như nhà kinh tế  Alfred Marshall – người đề xuất xây dựng các khu đô thị mới để giải quyết các bất cập của đô thị cũ. Marshall đã nhận ra, vào những năm 80 của thế kỷ 19, rằng cộng đồng rồi sẽ phải trả phí xã hội (social cost) gây ra do chất lượng nhà ở và môi trường sống tồi tệ ở các thành phố lớn.
Mô hình Thành phố Vườn do Howard đề xuất là một cộng đồng có quy mô 30.000 người sinh sống trên một diện tích 400 ha với cấu trúc hướng tâm và được bao quanh bởi vành đai xanh là 2000 ha đất nông nghiệp. Ý niệm xã hội đằng sau mô hình Thành phố Vườn chính là niềm tin của Howard rằng cuộc sống trong những khu dân cư mật độ trung bình và thấp, gần gũi với thiên nhiên như những làng quê truyền thống nước Anh sẽ giúp thắt chặt mối quan hệ cộng đồng và làm giảm bớt những căn bệnh xã hội của đô thị hiện đại. Khi một Thành phố Vườn đạt quy mô dân số quy ước 30.000 người, thì một Thành phố Vườn mới sẽ được phát triển bên cạnh. Howard dự tính một tập hợp các Thành phố Vườn được phát triển xung quanh một thành phố trung tâm có dân số 50.000 người như những vệ tinh và được kết nối với nhau bằng hệ thống đường bộ và đường sắt. Đó chính là mô hình đô thị vệ tinh.
Những ý tưởng xã hội và quy hoạch mà Howard gửi gắm trong Thành phố Vườn không bao giờ thành hiện thực một cách trọn vẹn dù rất nhiều phiên bản được phát triển trên khắp thế giới. Nhu cầu tài chính quá lớn để thực hiện dự án, áp lực về giá đất do áp dụng giới hạn phát triển, sự thiếu quyết tâm của chính quyền trong vấn đề phát triển giao thông công cộng, bảo tồn đất nông nghiệp là những thực tế cuộc sống thách thức (và nhiều khi làm thất bại) mô hình Garden City cũng như mô hình đô thị vệ tinh.
Tài liệu tham khảo:
  • Davis, W. & Herbert, D. (1993). Communities within Cities: an Urban Social Geography. London: Belhaven Press;
  • Hall, P. (1992). Urban & Regional Planning (3rd). New York, NY: Routledge.
Nguyễn Đỗ Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét