18 tháng 10, 2011
Lựa chọn bộ nguồn máy tính như thế nào để tốt nhất cho hệ thống của bạn ?
Thật đáng tiếc, cho tới tận ngày nay, nhiều người vẫn xem bộ nguồn máy tính (PSU) là một thành phần không quan trọng của một chiếc PC. Đây là một quan niệm sai lầm cần được thay đổi. PSU là nguồn cung cấp điện năng duy nhất đến các thiết bị bên trong chiếc máy tính cá nhân, nếu công suất không đủ, chất lượng nguồn điện không tốt và không ổn định thì nó có thể làm hư hỏng toàn bộ hệ thống, cho dù ngay cả với hệ thống máy tính cao cấp và đắt tiền nhất.
Thường thì người ta cứ chọn loại PSU có công suất mà mình nghĩ là “thích hợp” với giá rẻ mà mua. Chính điều này đã làm cho cả một con PC mới toanh của bạn chạy ỳ ạch không như ý với nhiều lỗi không giải thích được.
Vậy để chọn mua đúng PSU phù hợp với chiếc máy tính mà mình đang tính ráp hay nâng cấp, bạn cần quan tâm tới những điều gì?
1. Công suất.
Nếu bạn đã tính được nhu cầu tiêu thụ công suất của máy tính thì việc chọn mua một PSU có công suất phù hợp thật đơn giản, tốt nhất bạn hãy cộng thêm từ 20% đến 30% công suất dự phòng thêm vào công suất đã tính.
Nếu bạn thường vào Internet thì một địa chỉ khá tin cậy là Website:www.extreme.outervision.com/index.jsp sẽ giúp bạn tính được công suất của bộ máy mà mình muốn ráp bằng cách đơn giản là chọn ra các thiết bị máy tính của mình hiện có hoặc sẽ có và Website sẽ tự động tính ra tổng công suất PSU cho bạn. Dựa vào kết quả này, bạn có thể yên tâm lựa một bộ nguồn có công suất hiệu dụng thích hợp.
Trường hợp thứ 3, bạn có thể chọn cho mình một PSU có công suất phù hợp với nhu cầu bằng cách hãy trích ra 10% giá trị của chiếc máy mà bạn tính ráp để mua PSU. Thí dụ với một chiếc máy có giá trị 6 triệu đồng (không kể màn hình) thì cấu hình của nó không thể nào sử dụng nguồn điện quá 300W, và 600 ngàn đồng (10% trị giá máy), bạn sẽ có được một PSU có công suất 350W từ các thương hiệu đáng tin cậy.
Tiêu chuẩn ATX12V đặt ra các tiêu chuẩn kỹ thuật riêng cho PSU, nó luôn thay đổi để phù hợp với nhu cầu tiêu thụ năng lượng của các thế hệ thiết bị máy tính mới. Hiện nay với phiên bản mới nhất là 2.3, yêu cầu các PSU phải có công suất đường điện +12VDC cao hơn các đường còn lại để đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ cao hơn của các thiết bị mới. Khi mua một PSU, nếu chỉ dựa trên công suất danh định in trên nhãn thì bạn hoàn toàn không phát hiện ra điều này, khi không chú ý kỹ các thông số kỹ thuật về dòng điện trên từng đường. Ví dụ, cùng có công suất 400W, nếu PSU được sản xuất theo chuẩn ATX rev 1.3 thì công suất của các đường điện chính sẽ có dạng như sau:
Nhưng cũng với công suất đó trên chuẩn ATX rev 2.0 thì:
Do vậy, bạn không nên chọn mua các PSU có phiên bản ATX12V cũ hơn 2.0. Điều này sẽ giúp PSU dễ dàng tương thích với cấu hình máy tính mới của bạn. Các phiên bản cũ chỉ thích hợp cho việc nâng cấp máy tính với các cấu hình ráp trước đây 3 năm.
2. Xem công suất ghi trên nhãn
Các thông tin về công suất luôn được nhà sản xuất ghi trên vỏ hộp và trực tiếp trên nhãn. Bạn nên đọc các thông tin này trước khi mua, không nên tin tưởng hoàn toàn thông tin được ghi trên bảng báo giá vì chúng thường không chính xác, nhất là với các dòng PSU phổ thông. Một nhãn với các thông tin đầy đủ phải có các thông tin sau:
Mức điện áp AC phù hợp (AC INPUT).
Dòng điện DC cung cấp tối đa của từng đường (MAX OUTPUT CURRENT).
Công suất tối đa mà các đường điện DC có thể cung cấp (MAX COMBIEND WATT).
Tổng công suất bộ nguồn (TOTAL POWER).
Một nhãn có thông tin rõ ràng
Tránh mua các PSU có nhãn ghi thông số nghèo nàn, thiếu thông tin công suất của từng đường và thông tin tổng công suất PSU. Bạn nên chú ý, tên gọi hay tên gọi kiểu (model) của PSU không thể hiện mức công suất thật của PSU đó, nó chỉ là một chiêu câu khách của nhà sản xuất. Thí dụ như nhãn phía dưới với tên gọi là MODEL: P4-450W nhưng thực chất PSU này chỉ có công suất 138W. Cũng với nhãn này, bạn không thể tìm thấy thông tin công suất của từng đường cũng như tổng công suất của nó.
Một số thương hiệu PSU có công suất không đảm bảo đúng với công suất được quảng cáo: ARROW, BEVOD, COLORSit, DeLUX, DRAGON, eMaster, FRONTIER, GOLDEN, M@GIC, MAXIMA POWER, ORIENT, PEGASUS, POCA, SWITCH POWER SUPPLY hay EVEREST, SD, SP, Vertex, Vision 3G,...
Một số thương hiệu có chất lượng và công suất đảm bảo như: AcBel, Cooler Master, Gigabyte, ASUS, FSP, Seasonic, SliverStone, Corsair.
Một nhãn PSU có các thông tin nghèo nàn và không chính xác.
3. Hiệu suất của PSU
Tiết kiệm điện hiện nay là một tiêu chí quan trọng cho việc chọn mua các sản phẩm tiêu thụ điện năng. Do vậy, bạn nên chọn mua các PSU có hiệu suất hoạt động cao. Thế nhưng, thông tin này chỉ được thể hiện trên những PSU “hàng hiệu” chính hãng (trên Website của hãng hay được in trực tiếp trên vỏ hộp đựng sản phẩm). Một PSU đạt tiêu chuẩn phải có hiệu suất tối thiểu cũng phải trên 70%. Nếu muốn mua các PSU chắc chắn có hiệu suất cao hơn 70%, bạn nên chọn các sản phẩm có tem chứng nhận 80Plus (hiệu suất từ 80% trở lên).
4. Đầu cấp nguồn và cáp
Chọn mua một PSU có nhiều đầu kết nối sẽ giúp bạn dễ dàng chọn mua thiết bị khác và tăng khả năng nâng cấp về sau. PSU luôn phải có 2 đầu kết nối chính với mainboard là ATX và ATX12V. Đế cắm nguồn ATX thông dụng hiện nay trên các mainboad là loại có 24 chân cắm. Còn thế hệ mainboard cũ chỉ dùng đế cắm ATX 20 chân. Vì thế một số PSU cung cấp một dạng đầu cắm linh hoạt 20+4 chân với 4 chân có thể tháo rời ra khi sử dụng trên mainboard đời cũ. Một số PSU công suất thấp dưới 300W thường chỉ có đầu cắm 20 chân, nhưng bạn không nên lo lắng khi sử dụng PSU này trên mainboard có đế cắm ATX 24 chân vì nó vẫn tương thích và hoạt động tốt cho dù thiếu đi 4 chân.
Cũng như vậy, đế cắm ATX12V cung cấp năng lượng cho CPU thông dụng hiện nay là loại 8 chân. Nếu PSU của bạn chỉ có đầu cắm ATX12V 4 chân, bạn phải dùng một cáp đổi adapter để chuyển đầu cắm từ 4 chân thành 8 chân. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ mang tính xài tạm, có một số mainboard sẽ không đủ điện trong các tác vụ nặng hay trong chế độ ép xung.
Với các máy tính có ý định gắn card đồ họa mạnh, PSU phải có ít nhất 1 đầu cấp nguồn PCI-Express 6 chân (có 2 đầu thì càng tốt). Do ngày nay các thiết bị lưu trữ như HDD, ổ đĩa quang đều dùng giao tiếp SATA, PSU có càng nhiều đầu cắm nguồn SATA càng tốt. PSU có nhiều đầu cấp nguồn luôn tốt hơn.
5. Quạt làm mát và độ ổn của PSU
Để giải quyết vấn đề nhiệt độ cho các linh kiện công suất trong PSU, tất cả các PSU hiện nay đều dùng phương pháp tản nhiệt bằng không khí là chính nên hầu hết đều dùng quạt để làm mát. Hiện nay, các bộ quạt 80cm cũ đang được thay thế bằng loại quạt có đường kính 120mm đến 140mm, tạo ra lưu lượng không khí tốt hơn nhưng chỉ có tốc độ thấp từ 1600~2500 vòng/phút giúp giảm được độ ồn đáng kể. Không những làm mát cho riêng PSU, quạt của PSU còn góp phần làm giảm nhiệt cho toàn hệ thống. Tốt nhất là khi mua thùng máy, bạn nên mua luôn một chiếc quạt gắn vào phía sau thùng máy để làm giảm “gánh nặng” cho PSU.
Để có một PSU tốt đôi khi phải bỏ ra nhiều tiền hơn những thành phần khác của máy tính, nhưng điều đó hoàn toàn hợp lý, vì bạn không có sự chọn lựa nào tốt hơn cho sự ổn định và an toàn của chiếc máy tính.
nguồn sưu tầm
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)